Blogroll

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Toát mồ hôi luyện chữ cho con


Chị Thuận (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, con gái chị đang học lớp 1 và khó khăn nhất với cháu là tập viết. Chị hay bị cô giáo phàn nàn vì bé viết chậm, viết chưa thạo, trong khi nhiều bạn trong lớp vì đi luyện chữ trước cả năm nên cô không mất nhiều thời gian hướng dẫn.

Để giúp con theo kịp các bạn, tối nào chị Thuận cũng phải kèm bé tập viết. Nhiệm vụ khó khăn nhất với hai mẹ con là viết hoa các chữ cái. "Chữ thường con còn chưa thạo, viết chữ hoa đúng là cả vấn đề. Hai mẹ con toát mồ hôi hột mà vẫn không đạt. Nhìn con mắm môi mắm lợi, cúi rạp người viết, thương quá mà không biết làm sao", chị Thuận kể.

Có lúc thấy con viết cả nửa tiếng vẫn chưa đúng một chữ, chị vừa sốt ruột, vừa mệt mỏi nên quát mắng cháu, nhưng khi chính chị thử viết cũng thấy quá khó. "Làm sao để căn đúng ô ly, rồi uốn lượn sao cho đẹp mà vẫn nhìn rõ chữ, thật quá phức tạp mà không hiểu để làm gì với một đứa trẻ lớp 1", chị Thuận bày tỏ.

Nghe mấy người bạn khuyên, chị đang định gửi con tới một trung tâm luyện chữ ở gần nhà nhưng chưa sắp xếp được thời gian.



Trẻ đến luyện chữ tại một trung tâm dạy viết chữ đẹp ở Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Ảnh minh họa: MT.


Là tiến sĩ, giảng viên tại một trường đại học ở Hà Nội, nhưng anh Tùng (Minh Khai, Hà Nội) cũng thấy vô cùng stress với việc luyện chữ cho con. Ngày nào đi đón con cũng nghe cô giáo phàn nàn cháu viết xấu nên anh cảm thấy ái ngại và áp lực. Vì thế, ông bố trẻ nhiều lần quát tháo, ép con ngồi luyện chữ, và không ít lần cậu nhóc 7 tuổi khóc lu loa.

"Có mỗi chứ h thôi mà hai bố con đánh vật cả buổi tối vẫn chưa ổn. Hết chỉnh điểm đặt bút đến luyện nét hất lên rồi căn sao cho chiều cao chữ đúng ô ly... mà thấy quá mệt. Thằng bé chán viết quá viện đủ lý do để nghỉ giữa chừng, nào là đi tiểu, nào đau bụng, nhức tay. Mình cũng quá stress", anh Tùng kể.

Có lần, chính anh thử thay con viết một bài được giao, cặm cụi suốt cả tiếng mới xong vài dòng, và cuối cùng vẫn bị cô giáo chê là không đẹp và cho điểm kém."Mình cũng không hiểu tiêu chuẩn đánh giá thế nào là chữ đẹp hay xấu và khả năng kém hay tốt. Chủ quan mình thấy cu con khá thông minh, chữ cũng không quá tệ, mà sao bị cô chê lên chê xuống", ông bố thổ lộ.

Con chưa vào lớp 1 nhưng từ ra Tết, chị Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) đã đăng ký cho cháu theo một lớp luyện chữ ở gần Ngã Tư Sở. Chị Bình cho hay, chị làm việc này vì rút "bài học xương máu" từ cậu con trai đầu, hiện học lớp 4. "Thằng nhóc đầu không đi học trước, vào năm học không theo kịp các bạn đều đã biết viết hết rồi nên cứ đuối dần, viết xấu, viết chậm, toàn bị cô giáo chê. Ngày nào về nhà hai mẹ con cũng phải è cổ ra tập viết mà mãi không khá lên. Vì thế, lần này với bé thứ hai, phải cho đi luyện chữ trước", chị Bình kể.

Chị cho biết, tuần 3 buổi, sau khi đón con ở lớp mầm non, chị đưa thẳng cháu tới trung tâm luyện chữ, rồi quay về nhà cơm nước, sau đó ông xã sẽ qua chở cháu về. "Mình cũng không muốn con còn nhỏ đã phải vất vả vì việc học như vậy, nhưng thà cố gắng một chút ngay từ bây giờ còn hơn sau này đi học cứ phải chạy theo các bạn", chị Bình nói.

Chị Thái (Long Biên, Hà Nội) dù bức xúc với việc con gái bị cô giáo ép tập viết nhiều nhưng cũng không thể làm gì khác ngoài cố gắng kèm và động viên cháu viết. Con chị mới học lớp 2 nhưng hôm nào cũng được giao bài tập viết về nhà, và có hôm, hai mẹ con ngồi tới tận 24h đêm mới hoàn thành bài.

"Hai mẹ con đều mệt và căng thẳng nhưng không thể không tập. Khi mình góp ý với cô giáo về chuyện giao cho cháu tập viết nhiều thì cô lại gợi ý đưa cháu tới nhà cô luyện chữ, rồi nói vì mẹ không có phương pháp nên con mới lâu tiến bộ. Vậy ở trên lớp sao cô không dạy con theo phương pháp đó?", chị Thái bộc bạch.

Chị Thanh Thảo, giáo viên tiểu học tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, đối với trẻ mới đến trường, học viết là một công việc rất khó khăn, vì vừa đòi hỏi các em phải kiên nhẫn ngồi lâu, vừa chú ý viết đúng ô ly, căn độ rộng, độ cao, khoảng cách chữ... Thông thường, giáo viên trên lớp cần nhiều thời gian để uốn nắn trẻ, từ việc đơn giản như cách cầm bút, điểm đặt bút... Với phụ huynh, sau một ngày dài vất vả với công việc, tối đến lại phải luyện cho con viết, thấy con hay viết sai... thì chuyện stress, cáu gắt rất dễ xảy ra.

Cô Thảo cho hay, hiện nay nhiều trường hưởng ứng, thi đua phong trào vở sạch chữ đẹp thì càng đặt ra yêu cầu cao với học sinh, và bắt các em luyện nhiều hơn, khiến việc này trở thành một áp lực với cả cô lẫn trò, và bố mẹ các em.

Có 8 năm kinh nghiệm luyện chữ, chị Liên Hương ở Chùa Bộc, Hà Nội, cho biết, ngày nào chị cũng kín lịch 2 ca dạy tập viết chữ với khá đông học sinh, chủ yếu là bé tiểu học, và một số trẻ mới 5 tuổi, chưa đến trường. "Không phải phụ huynh nào gửi con đến cũng mong con luyện để viết đẹp mà có khi chỉ đơn giản muốn rèn cho trẻ tính cẩn thận, bớt hiếu động, cẩu thả đi", chị Hương cho biết.

Theo chị, việc tập viết với trẻ mới đi học thực sự không dễ dàng, do cơ tay yếu, khả năng tập trung của các em không được lâu. Ban đầu, cần làm sao cho các em hứng thú với con chữ, sao đó luyện dần dần, từng ít một, từ những điều đơn giản, cơ bản nhất như cầm bút sao cho đúng để đỡ mỏi tay và không bị dây bẩn, rồi tư thế ngồi, đến các nét móc, nét gạch dễ trước rồi mới tới chữ hoàn chỉnh sau.

"Nếu nóng vội, ép buộc thì thường chỉ làm trẻ sợ viết, chán học và càng khó tiến bộ, người lớn cũng mệt mỏi hơn thôi", chị Hương chia sẻ.
Theo: Vnxpess

0 nhận xét:

Đăng nhận xét