Để tạo ra 1.000 USD GDP, Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 600kg dầu quy đổi, cao gấp 1,5 lần so với Thái Lan và gấp 2 lần mức bình quân của thế giới. Ngành điện mỗi năm phải tăng trưởng đến 14-15% mới đáp ứng được yêu cầu tăng 6-8% GDP, trong khi bình quân thế giới, để tăng 1% GDP cũng chỉ tăng 1,2-1,5% năng lượng tiêu thụ. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Việt Nam hao phí năng lượng gấp 2 lần thế giới
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, được thiên nhiên ưu đãi và có gần như tất cả các nguồn tài nguyên năng lượng, nhưng khả năng khai thác, chế biến và sử dụng ở nước ta còn hạn chế.
Giai đoạn 2010-2020 có thể xuất hiện sự mất cân đối giữa khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng nội địa, và Việt Nam chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng, mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng.
Về nguyên nhân gây lãng phí và sử dụng không hiệu quả năng lượng, theo ông Đặng Vũ Minh - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, là do công nghệ lạc hậu; điện bị cắt giảm thường xuyên; hệ thống thiết bị, đường dây truyền tải ở một số khu vực đã quá cũ, chưa được thay thế; mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa đặt ra đúng tầm quan trọng; công tác quản lý sử dụng năng lượng còn nhiều bất hợp lý...
Chìa khóa đạt hiệu quả TKNL
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm bắt buộc phải thực hiện kiểm toán năng lượng (KTNL) định kỳ 3 năm một lần. Do đó, từ năm 2011, khoảng 1.200 doanh nghiệp Việt Nam trở thành đối tượng phải KTNL. Đây là hoạt động khảo sát, đánh giá toàn bộ hiện trạng sử dụng năng lượng tại 1 doanh nghiệp. Báo cáo sau kiểm toán sẽ chỉ ra được những bộ phận, thiết bị đang lãng phí, đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng của toàn hệ thống và đưa ra những giải pháp phù hợp tùy theo từng doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp khắc phục lãng phí và tiết kiệm năng lượng mà vẫn đảm bảo nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Điều thuận lợi hiện nay là sau thời gian dài tuyên truyền, nhận thức của DN đã có sự chuyển biến tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp đều rất quan tâm đến việc triển khai KTNL, tuy nhiên, làm thế nào để doanh nghiệp đạt được hiệu quả tiết kiệm năng lượng (TKNL) như mong muốn thông qua quá trình KTNL thì không phải là điều giản đơn.
Các chuyên gia của ECC HCMC đang thực hiện KTNL cho doanh nghiệp. Thiết bị đo kiểm và năng lực của kiểm toán viên là những yếu tố quyết định chất lượng của một báo cáo kiểm toán.
Theo ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm TKNL TP. HCM (ECC HCMC), chất lượng của một báo cáo KTNL được quyết định bởi 2 yếu tố là trình độ của kiểm toán viên và thiết bị đo kiểm.
Ông Huỳnh Kim Tước cho biết: “Trình độ của các kiểm toán viên khác nhau sẽ cho ra những báo cáo KTNL có chất lượng khác nhau. Cùng khảo sát một nhà máy nhưng kiểm toán viên A tư vấn doanh nghiệp nên thay hệ thống chiếu sáng, kiểm toán viên B bảo nên cải tạo hệ thống lạnh, kiểm toán viên C lại nói cần thay thế hệ thống hơi…
Một kiểm toán viên giỏi không chỉ nhìn thấy được tổng thể tiềm năng TKNL ở các bộ phận của nhà máy, các công đoạn của dây chuyền hoặc các thiết bị đang vận hành tại doanh nghiệp mà còn đưa ra tính khả thi, hiệu quả và thời gian hoàn vốn của từng giải pháp cũng như con số cụ thể mà doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nếu thực hiện theo kết quả tư vấn của kiểm toán viên”.
Quả thật, trên thị trường hiện nay cũng có nhiều đơn vị đang hoạt động với vai trò tư vấn KTNL nhưng xét về góc độ hiệu quả thực sự của công việc này, các chủ doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn đơn vị tư vấn. Lời khuyên của các chuyên gia cho trường hợp này là các doanh nghiệp nên xem qua hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn trước khi phối hợp thực hiện KTNL.
Theo B.N (khampha.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét